Doanh nghiệp nước ngoài cần nắm rõ các chính sách của pháp luật khi có sự thay đổi những nội dung mà có liên quan đến dự án đầu tư. Những trường hợp nào sẽ phải thực hiện điều chỉnh, cấp đổi giấy chứng nhận đầu tư. Chúng tôi xin chia sẽ các cập nhật mới nhất về các qui định về thủ tục thay đổi giấy chứng nhận đầu tư mà các nhà đầu tư nước ngoài cần phải lưu ý.
Cơ sở pháp lý:
– Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020;
– Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
– Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 4 năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư
Các trường hợp phải thực hiện cấp đổi giấy chứng nhận đầu tư
Trong suốt quá trình đầu tư của mình, nhà đầu tư đều phải thực hiện các hoạt động báo cáo thường kì đến cơ quan quản lý nhà nước về tiến trình thực hiện dự án đầu tư của mình. Khi có sự điều chỉnh nội dung dự án so với dự kiến ban đầu thì nhà đầu tư cần làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư với cơ quan đăng ký đầu tư. Hoạt động này nhằm mục đích giúp cơ quan đăng ký đầu tư có thể kiểm tra, giám sát được hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Năm 2023, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm 10 nội dung được quy định tại Điều 40 Luật Đầu tư 2020 cụ thể:
(1) Tên dự án đầu tư.
(2) Nhà đầu tư.
(3) Mã số dự án đầu tư.
(4) Địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng.
(5) Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư.
(6) Vốn đầu tư của dự án đầu tư (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động).
(7) Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
(8) Tiến độ thực hiện dự án đầu tư, bao gồm:
– Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn;
– Tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động chủ yếu của dự án đầu tư, trường hợp dự án đầu tư chia thành từng giai đoạn thì phải quy định tiến độ thực hiện từng giai đoạn.
(9) Hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có).
(10) Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (nếu có).
Theo quy định tại Điều 41 Luật Đầu tư 2020 về điều chỉnh dự án đầu tư như sau:
1. Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư có quyền điều chỉnh mục tiêu, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, sáp nhập các dự án hoặc chia, tách một dự án thành nhiều dự án, sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh hoặc các nội dung khác và phải phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp việc điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Nếu nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương thì cần đồng thời thay đổi quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận nếu các nội dung thay đổi liên quan đến mục tiêu, địa điểm đầu tư, công nghệ chính; tăng hoặc giảm vốn đầu tư trên 10% tổng vốn đầu tư làm thay đổi mục tiêu, quy mô và công suất của dự án đầu tư; điều chỉnh thời hạn thực hiện của dự án đầu tư hoặc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có).
Nếu dự án chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì nhà đầu tư chỉ cần điều chỉnh các nội dung muốn thay đổi tương ứng với thay đổi thực tiễn được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận đầu tư được tiến hành theo trình tự sau:
Đầu tiên, nhà đầu tư căn cứ vào nội dung thay đổi của mình để tiến hành soạn thảo hồ sơ cho đúng theo quy định của pháp luật. Lưu ý, tùy thuộc vào thủ tục ban đầu nhà đầu tư cần tiến hành khi đến Việt Nam đầu tư để tiến hành thủ tục điều chỉnh tương ứng.